Nâng cao hình ảnh và giá trị sen Đồng Tháp

Đây là chủ đề của tọa đàm do Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh tổ chức tại huyện Tháp Mười vào chiều ngày 01/9/2020, nhằm tìm ra các giải pháp phát triển bền vững ngành hàng sen của tỉnh Đồng Tháp.

Tiến sĩ Dương Văn Ni nêu lên những lợi ích đối với đất khi trồng sen và đặc biệt lưu ý nông dân không trồng sen liên tục trên một nền đất mà có sự luân phiên cây trồng để giảm bớt các bệnh trên sen

Diễn giả chính tham gia tọa đàm gồm Tiến sĩ Dương Văn Ni - Trường Đại học Cần Thơ và Tiến sĩ Ngô Thị Thu Trang - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh).

Tại buổi tọa đàm, các diễn giả đã nêu lên thực trạng ngành hàng sen tỉnh Đồng Tháp hiện nay, đáng chú ý là những “điểm nghẽn”. Cụ thể, diện tích sản xuất giảm đi rất nhiều (còn khoảng 850 ha) dẫn đến nguyên liệu phục vụ chế biến các sản phẩm từ sen tại địa phương sụt giảm 50%, thiếu sự liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị ngành hàng, giá cả đầu ra nhiều biến động, liên kết đầu ra chưa nhiều và phát sinh nhiều loại bệnh trên cây sen.

Bên cạnh đó, các diễn giả cũng cho rằng, hiện đang thiếu cơ chế quản lý thống nhất cho phát triển ngành hàng sen, nhất là sản phẩm du lịch hiện nay đang mạnh ai nấy làm; sản phẩm từ sen chưa đa dạng, bao bì, nhãn mác, bảo quản sản phẩm từ sen còn đơn giản v.v..

Đối với nông dân trồng sen không chỉ địa bàn huyện Tháp Mười mà cả địa bàn huyện Cao Lãnh, huyện Lấp Vò khi tham dự tọa đàm đều mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học có hướng dẫn kỹ thuật canh tác sen sao cho hiệu quả, trồng sen theo hướng hữu cơ, khắc phục dịch bệnh trên cây sen, nghiên cứu giống sen cho năng suất cao, phục hồi giống sen bản địa.

Các doanh nghiệp thu mua, chế biến sản phẩm từ sen đã nêu lên nhu cầu của doanh nghiệp là đang rất cần vùng nguyên liệu sen sạch, đảm bảo chất lượng, đồng đều và số lượng lớn ổn định để có thể thực hiện các hợp đồng quy mô lớn. Cùng với đó là đề nghị được hợp tác với tổ hợp tác, hợp tác xã cung cấp hạt sen lụa để giảm bớt trung gian, tăng thu nhập cho nông dân.

Đại diện Công ty thực phẩm Sen Đại Việt cho biết, thời gian qua chưa liên kết được với nông dân trong tiêu thụ sản phẩm với quy mô lớn

Theo Tiến sĩ Dương Văn Ni, với những “điểm nghẽn” trên, ngành hàng sen rất cần giải pháp căn cơ. Tiến sĩ Dương Văn Ni đề xuất, ngành nông nghiệp tỉnh và huyện Tháp Mười cần tổng hợp tài liệu về kỹ thuật, mô tả chi tiết đặc tính các giống sen hiện có; tổng hợp đề xuất, nhu cầu của doanh nghiệp về loại nguyên liệu như thế nào về sen, địa phương đặt hàng cho nhà nghiên cứu để tạo ra giống sen đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp (sen lấy bông, sen lấy ngó, sen lấy hạt, sen lấy tơ v.v.); kết nối nông dân, doanh nghiệp lại với nhau, đặc biệt quan tâm đến những nông dân sản xuất quy mô lớn và đóng vai trò là doanh nghiệp thu mua, chế biến.

Giải pháp được Tiến sĩ Ngô Thị Thu Trang - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra, đó là cần thí điểm và phát huy mô hình trồng sen theo hướng an toàn, định hướng hữu cơ và có chính sách chuyển đổi từ lúa sang sen hoặc xen canh lúa - sen theo từng khu vực để đảm bảo có nguồn nguyên liệu sen quanh năm.

Tiến sĩ Ngô Thị Thu Trang đề xuất giải pháp nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng sen

Sự chung tay của các bên liên quan (cộng đồng địa phương, đơn vị chế biến, chế tác sản phẩm từ sen, đơn vị kinh doanh lữ hành, các cấp quản lý, nhà khoa học); chuẩn hóa sản phẩm ngành hàng sen tham gia chương trình OCOP; đa dạng hóa sản phẩm tạo giá trị đặc thù riêng cho chuỗi giá trị Đồng Tháp như: Tinh dầu sen, trang sức về sen, tơ sen; gia tăng giá trị các sản phẩm từ sen gắn với phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch v.v. là những giải pháp quan trọng cần được thực hiện trong thời gian tới - Tiến sĩ Ngô Thị Thu Trang gợi ý.

Ông Nguyễn Phước Thiện - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tổng hợp tài liệu về kỹ thuật, mô tả đặc tính các giống sen; đồng thời cho biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang nghiên cứu đưa các loại máy móc vào phục vụ sơ chế sen nhằm giúp nông dân giảm bớt các khâu thủ công.

Đặc biệt quan tâm đến sự “sống còn” của cây sen ngay tại Tháp Mười, Bí thư Huyện uỷ Tháp Mười Nguyễn Văn Vũ Minh cho rằng, sắp tới huyện sẽ nghiên cứu để xây dựng 02 vùng nguyên liệu sen, thứ nhất là để cung cấp nguyên liệu sản xuất, thứ hai là để phục vụ du lịch, khai thác giá trị gia tăng từ hình ảnh cây sen thông qua các dịch vụ; tính toán đến sự cân bằng lợi ích của người nông dân trong sản xuất từng mặt hàng của ngành hàng sen để giảm bớt sự cạnh tranh không lành mạnh, có như vậy mới đảm bảo sự gắn kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong đáp ứng nhu cầu từng mặt hàng của sen.

Theo http://dongthap.gov.vn



Tin liên quan

Top